Nỗi lòng gái massage

Người đăng: Miss Teen Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

- “Em muốn về lắm nhưng bà chủ không cho nên đành chịu” - Đó là lời bộc bạch của Phượng - một cô gái massage mong muốn về quê ăn Tết cùng gia đình.

Chạnh lòng khi thấy những cô gái tuổi đôi mươi phải lăn lội khắp nơi, thậm chí bán đi cái "ngàn vàng" để mưu cầu cuộc sống


Chỉ mấy ngày nữa là Tết đến xuân về, trong khi mọi người đang hồ hởi bắt xe, đón tàu về quê đón Tết, thì nhiều cô gái “hành nghề” massage Tết này không được về quê vui xuân cùng gia đình.

Thực ra, không phải vì các em thiếu một vài trăm tiền vé, hay là tâm trạng không muốn về quê ăn Tết cùng người thân. Mà nói đúng hơn những cô gái này không dám về quê, vì “sinh nghề tử nghiệp”, hơn nữa các ông chủ cũng không muốn, vì… !?

Nỗi niềm tha hương

Không tức tưởi khóc lóc như mấy cô gái trẻ cùng phòng khác, vì được về quê ăn Tết, Phượng vớ cái mền bông trùm kín đầu, miệng lải nhải những lời bức xúc chẳng ra làm sao: “Mặc cho đời trôi dạt đến đâu thì… đến!”. Nói xong, em còn phá lên cười sặc sụa, rồi bảo tôi nằm xuống để Phượng đấm vài đường tẩm quất cho khỏe.

Phượng cùng bạn mỗi khi rảnh rỗi chỉ biết uống cafe và nghe nhạc để vơi đi nỗi buồn nhớ quê ngày Tết


Quả thực sau một chầu đánh gió, cạo dầu dường như bao nhiêu mệt nhọc trong tôi đều tan biến. Chẳng hiểu vì sao hôm nay Phượng tận tình đến vậy. Chứ theo như nàng tâm sự: “Xưa nay người ta “tẩm quất” cho em, chứ em có bao giờ phải… làm người khác đâu?”.

Đang ngồi tào lao với mấy cô gái tại quán cafe gần khách sạn Ngân Hà, TP Hà Tĩnh, chợt một cô nàng áo mỏng đến mức không thể mỏng hơn. Vóc dáng như người mẫu chạy vào quán miệng hét tướng: “Khổ ghê, thức trắng cả đêm, vậy mà thu nhập chỉ có nhiêu thôi. Ngần này thì làm sao đủ xài trong ngày? Chứ đừng nói đến gửi về cho ổng bà nữa”.

Lập tức Phượng bảo với tôi: Cái Bích là bạn của tụi em đó. Nó là đứa trong nhóm kiếm được nhiều tiền boa nhất. Tuy nhiên, tiêu xài thì chẳng ai bằng, nên cả năm nay nó mới gửi về cho ba má được khoảng dăm ba triệu là cùng, nghĩ mà tội cho ổng bà nó quá”. Nói rồi Phượng kể mấy đứa đi gửi tiền về quê cho gia đình ăn Tết, nghe mà não lòng.

Cách đây mấy hôm, Bích và mấy đứa bạn cùng nhóm lên Bưu điện TP gửi tiền về quê cho gia đình. Nhưng do nửa chữ không biết nên cả nhóm đành chờ cô nhân viên gọi. Thấy mấy cô gái làm trở ngại giao dịch của khách hàng, vì thế cô nhân viên bưu điện bảo: “Nhờ anh chàng đẹp trai đang ngồi viết hộ cho”. Còn chàng thanh niên nọ, khi viết xong cũng được một phen cười vỡ bụng.

Xuân này con không về…!

Theo như Phượng kể: “Nghề nào cũng có quy tắc và luật lệ riêng cả, dính vào là khó mà gỡ ra cho được. Quả thực từ khi bắt đầu làm quen cái nghề massage, Phượng phải xa quê triền miên và quê hương miền Tây đối với em chỉ trong ký ức xa lắc, xa lơ. Nhiều lần về quê Phượng còn quên cả lối về nhà.

Em tâm sự: “Dạo đầu, mỗi khi Tết đến xuân về nỗi nhớ quê lại nhân lên gấp bội, cứ nghĩ mình đi làm suốt năm, suốt tháng chẳng lẽ Tết cũng không được về chung vui với gia đình, bè bạn. Tuy nhiên, ngẫm lại mỗi lần về quê tốn kém quá trời luôn, hơn nữa “má mì” cũng không cho về vì sợ tụi em chuồn mất”.

"Đời làm nghề massage là thế, khi đã sa vào cái nghề “đi đêm về hôm” này thì khó mà dứt ra ngay được. Đành có lỗi với gia đình vậy, nên cố kiếm thêm chút đỉnh gửi về cho ba má xài để khỏi buồn lòng, mong sao ít nhiều bù đắp nỗi nhớ con đang nơi đất khách quê người."

Không có khách mấy em massage chỉ biết ngồi chờ


Khác với Phượng, hai chị em cái Hồng, quê tận (Rạch Giá, Kiên Giang) thì lại càng buồn hơn, vì đây là lần đầu tiên hai chị em phải ăn Tết “nơi xứ người”, dù vậy chị em đành tự động viên an ủi nhau, vì đám bạn cũng bận việc phục vụ các “thượng đế” chứ có thời gian đâu mà an với ủi mình. Rảnh cả đám lại rủ nhau ra quán mần chầu cafe đá và nghe nhạc vọng cổ hoài.

Phượng nói: Nhớ quê lắm chứ bộ nhưng cũng đành liều cố mà làm kiếm thêm tiền boa gửi về quê để an ủi ba má, thôi xuân nay tụi em không về. Ai thì không biết chứ riêng em “xuân nay đến nữa đã ba xuân” không được về quê sum vầy đón Tết cùng gia đình rồi. Tết này đành rủ mấy đứa bạn cùng quê làm mấy món Nam bộ nhậu chơi cho vơi nỗi nhớ quê nhà.

Không biết ở tận quê nhà, các bậc phụ huynh có chạnh lòng? Chứ riêng tôi khi thấy những cô gái tuổi mới mươi tám, đôi mươi phải lặn lội khắp nơi, thậm chí còn bán đi cái “ngàn vàng” để mưu cầu cuộc sống mà cảm thấy buồn cho số phận hẩm hiu của họ.

Trên đường văng vẳng giọng Khánh Ly: “Đi về đâu hỡi em? Có nghe tình yêu lên tiếng… Đời gọi em biết bao lần? Đời gọi em về với yêu thương!” nghe mà buồn não nề.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

0 nhận xét

Đăng nhận xét

Followers

Video Post