Những người hàng xóm của Thuỷ Hương, 33 tuổi, sống ở phường Lê Lợi, thành phố Vinh, Nghệ An, đều biết người phụ nữ làm nghề gội đầu này vẫn “đi khách” khi có yêu cầu. Mọi người xung quanh coi thường và không muốn “dính dáng” đến cô. Chỉ rất ít người biết rằng thời con gái, Hương từng là một nữ sinh học giỏi và ngoan.




“Lúc 15 tuổi, nó bị một người quen cưỡng hiếp”, một phụ nữ ở gần nhà, vốn thân với cha mẹ Hương, kể, “khi gia đình con bé nói chuyện với thằng kia, thì hắn chẳng những không nhận tội mà còn lu loa là tại con bé quyến rũ, mời mọc nó”. Mặc dù hầu hết những người xung quanh đều biết là không phải vậy, nhưng Hương vẫn bị suy sụp khi nghĩ rằng mình đang bị bêu riếu, rằng không ai tin mình bị cưỡng ép.




Những lần cô đi qua mấy quán bia, quán nước, quán cắt tóc gội đầu gần nhà, đám thanh niên đều nhìn chăm chăm một cách hiếu kỳ, rồi chỉ trỏ với nhau, nhiều khi cười hô hố sau lưng cô. Sợ hãi, cô nữ sinh trốn trong nhà, mãi mới chịu đi học lại nhưng từ đó không bao giờ có tên trong danh sách học sinh khá, giỏi nữa.




Lớn lên, Hương xinh đẹp nhưng những chàng trai xung quanh không theo đuổi cô. Một số người ở phường khác lúc đầu có ý định tìm hiểu nghiêm túc, nhưng sau khi nghe người ngoài bật mí chuyện cũ, cũng lịch sự rút. Rồi năm 22 tuổi, Hương cũng có người yêu, nhưng chỉ mấy tháng đã chia tay. Anh chàng này sau đó kể lại với người khác là đã ngủ với Hương, và không muốn cưới một phụ nữ dễ dãi như vậy. Từ đó, cách sống của Hương thay đổi hẳn. Cô không còn cúi mặt khi ra đường nữa. Tốt nghiệp cao đẳng, chưa xin được việc, cô đi làm ở hiệu cắt tóc gội đầu trên phố, cười đùa đáp lại những lời cợt nhả của đàn ông, cặp với rất nhiều người cả độc thân và có vợ theo kiểu quan hệ “tiền trao cháo múc”.




Hương chỉ là một trong nhiều phụ nữ mà việc bị xâm hại tình dục ở tuổi vị thành niên vẫn để lại dấu ấn nhiều năm sau, thậm chí cả cuộc đời. Theo bà Phạm Quế Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khoẻ Gia đình và Phát triển cộng đồng (CEFACOM), nơi tư vấn, giúp đỡ những trẻ em bị xâm hại tình dục, hậu quả của tai nạn này rất đa dạng. Bên cạnh những cô gái trở nên thu mình, sợ hãi đàn ông, không dám yêu vì ám ảnh chuyện cũ, lại có những phụ nữ có cách sống buông thả hơn.



Sau khi chuyện đó xảy ra, nhiều em gái đau khổ tự trách mắng mình, các em cho rằng điều này xảy ra với mình mà không phải với bạn khác, hẳn là do mình có cách cư xử sai lầm nào đó. Nhiều em nghĩ mình đã bị ô nhục, bị vấy bẩn không thể gột sạch được. Nghĩ bản thân không còn giá trị, sẽ không có người đàn ông nào tôn trọng và yêu thương mình, các em nghĩ mình không còn lý do gì để “giữ gìn” và vì thế có thể trở nên dễ dãi trong quan hệ với người khác giới, thậm chí sa ngã. Theo bà Quế Anh, trong số phụ nữ mại dâm có không ít người từng bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ, khiến họ bị mất lòng tự trọng và dần dần tự đẩy mình vào con đường đó.




Câu chuyện của Quỳnh Anh, 19 tuổi, ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, cũng là một ví dụ. Năm cô học lớp 9, bố mẹ cảm thấy con mình bỗng nhiên thay đổi một cách đáng ngại. Cô bé ủ ê, buồn bã, rồi lơ là việc học, bắt đầu ăn diện, đi chơi nhiều cả ngày lẫn đêm. Nghĩ đó là hệ quả của tuổi dậy thì, họ chỉ nhắc con nhẹ nhàng. Rồi một ngày, họ hoảng sợ khi tình cờ nghe những lời đồn đại, bình phẩm về con gái. Rồi để tâm theo dõi, họ biết con hay nói dối là đi học thêm để đi chơi đêm với các bạn trai, và nhiều lần vào nhà nghỉ.



Sau khi la mắng con một trận, bố mẹ Quỳnh Anh quyết định cố gắng gần gũi để giúp con thay đổi. Sau một thời gian dài cố gắng, người mẹ mới được con gái cho biết, trong lần đi chơi với nhóm bạn, trong đó có những anh chị lớn hơn nhiều tuổi, Quỳnh Anh bị một thanh niên, vốn là anh họ bạn gái cô, chiếm đoạt. Sợ hãi và đau khổ, nhưng cô bé không dám nói với ai, chỉ luôn tự sỉ vả mình.

Trước khi chuyện kia xảy ra, Quỳnh Anh thầm thích người thanh niên đó. Cô bé cho rằng có thể cô giấu không kín tình cảm của mình để anh ta biết được và mới dẫn đến hành vi đó. Càng nghĩ, cô càng tự cho mình là đã hư hỏng từ trước rồi, nên người kia mới không tôn trọng cô, mới tìm cách cưỡng đoạt cô, vì thế có tố cáo anh ta cũng chỉ thêm xấu hổ cho mình mà thôi. Cô cảm thấy đời mình chẳng còn gì để mất.

Và phải thật kiên trì trong một thời gian dài nữa, bố mẹ Quỳnh Anh mới có thể giúp cô bé lấy lại được niềm tin, lòng tự hào về bản thân và có cuộc sống đúng mực như trước.

Theo các chuyên gia tâm lý, để trẻ không bị xâm hại tình dục hoặc không dẫn đến hậu quả trên nếu điều đó xảy ra, cha mẹ nên xây dựng lòng tự trọng cho con từ nhỏ. Cần giúp trẻ tin ở giá trị, nhân phẩm của mình. Theo chuyên gia Phạm Quế Anh, những đứa trẻ tự tin, có lòng tự hào ở bản thân sẽ ít có nguy cơ bị xâm hại hơn, hoặc nếu bị thì dễ hồi phục tâm lý hơn trẻ khác.

Khi điều không hay đó xảy đến với con bạn, dù rất phẫn nộ, bạn cũng nên bình tĩnh. Nếu không, trẻ vốn đang mặc cảm sẽ hiểu rằng sự giận dữ ấy là dành cho mình chứ không phải cho tên “yêu râu xanh”. Bạn nên lắng nghe con và tin tưởng trẻ, đừng tỏ ra nghi ngờ các chi tiết hay phán xét rằng con đã sai lầm ở đâu. Hãy thuyết phục trẻ rằng, đó chỉ là một tai nạn, và trẻ không có lỗi. Sự gần gũi, chia sẻ, yêu thương của bố mẹ giai đoạn này rất quan trọng. Và nếu cảm thấy khó khăn trong việc giúp con vượt qua cú sốc, bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý.

0 nhận xét

Đăng nhận xét

Followers

Video Post