Đi bar là hư hỏng?

Người đăng: Miss Teen Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

- Quán bar, vũ trường – nơi mà hàng đêm cuộc sống xô bồ được hòa quyện bởi ánh sáng, âm thanh, rượu ngoại, khói thuốc và người với người.

“Đi bar” vẫn được hiểu theo nghĩa “hư hỏng” nhiều hơn là hướng nhìn tích cực...


Xã hội phát triển, chuyện vào bar với bạn bè, nhấm nháp tí rượu ngoại, lắc lư trong điệu nhạc xập xình, ánh đèn lấp loáng… đã không còn là chuyện “xưa nay hiếm” nữa.

Tuy nhiên, “đi bar” vẫn được hiểu theo nghĩa “hư hỏng” nhiều hơn là hướng nhìn tích cực. Hãy cùng nhàn đàm về văn hóa đi bar của giới trẻ thời nay.

Những tín đồ “đi bar về pub”

Riêng với những “cậu ấm, cô chiêu” lắm của nhiều tiền thì thường lui tới đây với mục đích: chứng tỏ mình. Cứ thử vào một quán bar. Giữa âm thanh của tiếng nhạc dồn dập. Nơi này một nhóm “nam thanh, nữ tú” mặt còn non choẹt đang rút xấp tiền toàn tờ 100 nghìn ra thanh toán. Góc kia, một nhóm nữa đang lắc lắc đầu theo điệu nhạc, trên mặt bàn chễm chệ ở chai Hennessy… Việc đầu tiên để những đám choai choai, quý tử con nhà giàu chứng tỏ sự hơn thua, đẳng cấp sành điệu của mình qua việc sài rượu.

Tuy nhiên, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy những bạn trẻ nghiêm túc, chỉn chu trong bộ đồng phục công sở xuất hiện ở bar và họ cũng trẻ trung, cuồng nhiệt chẳng kém ai.

Ngày càng nhiều người trẻ đi bar và coi đó là hình thức giải trí đầy hấp dẫn sau một ngày dài mỏi mệt...


Ngày càng nhiều người trẻ đi bar và coi đó là hình thức giải trí đầy hấp dẫn sau một ngày dài mỏi mệt. Bất kể hiện nay, nó vẫn còn bị nhìn nhận dưới con mắt tiêu cực tương tự như trào lưu karaoke cách đây hơn chục năm. Nhưng nếu như teen có xu hướng đi bar nhằm chứng tỏ bản thân, hay một bộ phận khác tới đây đơn giản để giết thời gian, phá vỡ nếp sống đều đều, tẻ nhạt trước đó thì đa số văn phòng lại nêu lí do phổ biến: giải tỏa áp lực công việc. Riêng giới nữ văn phòng đi bar còn bắt nguồn từ nguyên nhân khác: “Tranh thủ chơi trước lúc lập gia đình, lu bù chuyện chồng con” (Thu Nga, 25 tuổi). Tóm lại, công chức trẻ định hình nên một phong cách đi bar: vui vẻ phóng khoáng mà không buông thả. Thông thường tần suất ngồi bar của họ không thưa thớt song cũng chẳng dày đặc như những kẻ nghiện bar.



Nếu chưa hiểu kỹ, biết đâu bạn sẽ đánh giá mọi bar, pub đều lộn xộn, xô bồ? Song trái lại, có những bar không phải ai cũng ghé chơi được bởi quy định nghiêm ngặt về tuổi tác, trang phục hoặc bởi giá cả. Bước vào bar, không ai thật sự hòa nhập với không khí chung (mà phần lớn rất sôi động) nhanh bằng giới trẻ. Họ tới bar để thể hiện cái Tôi, giải tỏa stress hay đơn giản là “để biết” nhưng chẳng ai mong muốn vừa ngồi bar vừa canh cánh lo âu. Các bạn trẻ từng “đi bar về pub” đều thừa nhận: càng muộn, càng đông càng vui. Tất nhiên, vẫn có nhiều người trở thành khách ruột của những bar được bài trí ấm cúng, không nhảy nhót.

Để “đi bar giải stress” đúng nghĩa

Đừng nhầm tưởng nếu chỉ cần thỏa mãn nhu cầu giải trí thì ta có thể bước vào bất cứ bar, pub nào. Cư dân trẻ, đặc biệt là những người có học thức và thu nhập tỏ ra rất “sành” khi chọn lựa, họ thà ở nhà còn hơn phải đến quán bar kiểu bình dân nhộn nhạo. Nhiều trường hợp lui tới một bar cố định bởi ấn tượng ban đầu trước nhạc hay style đồng phục… tại đó. Có bar được thiết kế lấy cảm hứng Viễn Tây, nhân viên đội mũ cao bồi, có bar dựng bệ DJ như mô hình máy bay chiến đấu hoặc tạo nét riêng bằng biểu tượng “độc”

Để thu hút khách thì các bar, club cần phải tạo cho mình những ấn tượng thật mới mẻ, và hấp dẫn. Các party là một phần trong những “chiến lược” gây ấn tượng ấy. Tại những bar đang “được lòng” giới trẻ Hà Nội hiện nay như: Tunnel, Face Club, Roofs Bar, Press Club… hầu như hàng tháng đều tổ chức party với những chủ đề cụ thể và rất thú vị như: Ladies Night, White Party, Luxyry Night… Để tránh nhàm chán, tất nhiên, những xu hướng party mới sẽ thường xuyên được cập nhật và “thiết kế” lại cho phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Không thể phủ nhận nhạc, đồ uống chứa cồn, thậm chí khói thuốc là yếu tố tạo thành cái “chất” nơi đây. Có thể dễ dàng nhận thấy tại các quán bar, sàn nhảy hiện nay, chiếm vị trí độc tôn vẫn là rượu. Rượu trải mình trên các mặt bàn, tiến lui, lên xuống theo từng khoảnh khắc của các tay chơi. Để rồi, đâu đâu cũng thấy rượu, người người tìm đến rượu và với nhiều hình thức, kiểu dáng bắt mắt hòa quyện trong những ánh chớp lập lòe cả vũ trường lúc đêm về, rượu đã thực sự quyến rũ và là một thứ xa xỉ theo đúng nghĩa để giới trẻ chứng tỏ mình.



Lớp trẻ tự do, cởi mở dễ làm quen với điều này. Người thích “chuyển động” giữa một bản chuyên nhạc dance, hip-hop, người khác lại chuộng bar với giai điệu house, Rn’B, DJ... Và ban nhạc sẽ chịu trách nhiệm đáp ứng tai nghe đa dạng của thượng đế. Nếu nhạc là phần “thanh” thì thức uống thể hiện hương-vị-bar. Những bar đình đám thưởng sở hữu bartender (từ chuyên dụng chỉ người pha chế chuyên nghiệp).

Bên cạnh âm nhạc, khách muốn phiêu cùng đồ uống hảo hạng. Dung Nhi (29 tuổi, nhân viên một công ty về nước giải khát) chia sẻ: “Ngồi bar tôi uống theo tâm trạng. Thật thú vị nếu bartender bắt được tâm trạng ấy đưa vào ly cocktail”. Quan sát giới trẻ đi bar dường như “gu” nhạc hay cách họ lựa chọn đồ uống cũng ít nhiều bộc lộ cá tính.



Dường như từ lâu, bar – pub được mặc định dành cho giới trẻ, những người phóng khoáng biết tận hưởng cuộc sống. Họ mau chóng tiếp thu đồng thời góp phần làm nên “văn hóa đi bar” như một cách chứng minh rằng không phải ai đi bar cũng hư hỏng, không phải bar nào cũng là tụ điểm thác loạn.

0 nhận xét

Đăng nhận xét

Followers

Video Post