Những cái gì dễ dãi. Có bao giờ bền lâu?

Người đăng: Miss Teen Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2009


- Hiện tượng “tự dưng... thành sao” không phải bỗng dưng. Thời đại ngày nay là thời đại thông tin, ở đó PR là một yếu tố quan trọng, nếu không nói là yếu tố quan trọng nhất, để được công chúng biết đến, nhất là ở ngành công nghiệp giải trí.


PR thời nay lại được hỗ trợ bởi các kỹ thuật mạng, các trang mạng, hay cũng có thể nói một trong những chức năng chính của mạng tin học hiện thời là để PR nhằm kéo số đông người truy cập. Những người trẻ bắt đầu đi vào lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, họ tự PR - “khoe” mình (chủ yếu là khoe cơ thể), là họ bắt nhịp với nhu cầu của một xã hội thông tin và giải trí, là họ bắt thời cơ với một thời đại kỹ thuật.

Họ có chút ít năng khiếu thông thường, có lòng háo danh, có ham muốn nổi tiếng “tắt”, có sự tự tin liều lĩnh - những thói thường của tuổi trẻ, những tham vọng và ảo vọng của người làm nghề. Sự hồn nhiên và toan tính của họ là ở cả đấy. Nhưng họ không ngại phô bày mình một cách nóng bỏng và bê bối (nếu có thể nói như vậy) vì họ biết chắc rằng các phương tiện thông tin đại chúng sẽ bắt ngay lấy họ, đẩy ngay họ lên thành tin bài nóng, đặt họ vào tâm điểm thu hút sự chú ý của mọi người nghe xem đọc. Lỗi ở đây lại là ở giới truyền thông. Nếu có một sự cân nhắc và thận trọng từ phía này, sự hăm hở phá cách để thành “sao” của nhiều người trẻ sẽ được điều chỉnh.


Liệu đây là phong cách sexy hay là phản cảm?


Nhưng ở đây còn có sự tiếp tay của những người làm ra sản phẩm nghệ thuật khi từ những chiêu thức PR của các “sao” chưa thành, họ vô tình hay cố ý tạo ra những giá trị ảo và giả. Những bộ phim thị trường với những diễn viên thị trường, với hiệu quả thị trường, với tiền bạc thị trường. Kết cục là một sự thất bại thị trường. “Những cái gì dễ dãi/ Có bao giờ bền lâu” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Những bộ phim, bài hát, màn diễn trôi tuột về phía vô vọng. Những cái tên nổi trôi với những phụ liệu đi kèm là những lời bàn tán xì xào, những cái nhìn ham hố và tọc mạch. Những cái chết được báo trước cho những tham vọng ăn xổi ở thì, cho những gì mình không có mà vay mượn và đắp điếm.

Vinh quang và danh vọng là khát vọng của bất kỳ ai khi vào đời, thi thố với đời, lập nghiệp ở đời. Với bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, với riêng ngành nghệ thuật, giải trí, càng vậy. Nhưng để có được danh vọng, để đạt tới vinh quang, người nghệ sĩ chân chính biết rằng mình phải lao động nghệ thuật cực nhọc, phải âm thầm khổ luyện trong bóng tối, phải chứng tỏ mình bằng bản lĩnh nghề nghiệp. Và biết tỏa sáng ở những vai diễn, những cảnh diễn xứng đáng, xứng tầm.



Diva Mỹ Linh đâu cần nhờ đến PR hay những xì - căng - đan
nhưng giọng ca của chị vẫn đi vào lòng người hâm mộ!


Người nào không biết cái giá của thời gian thì người đó không phải sinh ra cho vinh quang. Tấm gương của nghệ sĩ nhân dân Phùng Há vừa nằm xuống còn đó như một lời nhắc nhở và động viên. Và hãy nhớ rằng vinh quang giống như dòng sông, những vật nhẹ và rỗng thì nổi, còn những vật nặng và chắc thì lặn vào bề sâu. “Cái còn thì vẫn còn nguyên/ Cái tan thì tưởng vững bền vẫn tan” (Trần Đăng Khoa).

0 nhận xét

Đăng nhận xét

Followers

Video Post