Nữ sinh trường huyện "đi hoang"

Người đăng: Miss Teen Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009 ,

Tôi đã “tiếp xúc” nhiều với thế giới của nam thanh nữ tú tuổi học trò “tự sướng”, hư đốn phơi bày xác thịt, nữ sinh ẩu đả đánh ghen chí choé giang hồ... Nhưng, trong cảm giác của tôi, những chuyện hư hỏng kể trên vẫn xa xôi tít trên... mạng internet hoặc ở ngoài phố thị, nơi người với người sống với nhau hơi lạnh lùng.



Nhưng những gì mà tôi tận mắt chứng kiến đã khiến tôi thực sự bị sốc. Đưa chuyện này lên mặt báo, vì rất nhiều lý do, tôi không thể nêu tên thật, điạ chỉ thật của các "ô mai" này. Đằng sau những chuyện đau lòng này có trách nhiệm của chúng ta, những bậc làm cha mẹ, thầy cô giáo, các tổ chức xã hội và của chính những nhân vật này. Xin hãy vào cuộc, chậm còn hơn không!

Nam nữ học sinh mới học THPT (hoặc thậm chí cuối cấp hai), lại được ướp ủ trong không gian tưởng như tinh khiết với những bờ đê, sông Hồng và các hồ sen bất tận ở cái huyện miền núi heo hút của miền đất trung du cằn cỗi thế, vậy mà các cháu nứt mắt ra đã tí toáy điện thoại di động. Nhắn tin, điện thoại, lên mạng, bỏ học, gây án, đi bụi, làm điếm, nghiện ma tuý, thôi thì đủ cả, ngồi trên ghế nhà trường mà không ít cháu sống như trẻ đường phố thật sự.


Với nữ sinh, nam sinh thời buổi này, họ đi thẳng từ ôm ấp trong lớp học, đến bán dâm, đến nạn nạo phá thai khi còn mặc áo đồng phục nữ sinh


Nhức nhối nhất, gây công phẫn trong đông đảo giáo viên và bà con huyện nhà nhất, vẫn là chuyện nữ sinh bán mình. Hầu như chưa có vụ nào được lực lượng công an bắt “trai trên gái dưới” bán mua dâm tình, mà chứng minh rành mạch được nhân vật nữ chính là đương kim học trò trường huyện. Nhưng cả chục năm nay, chuyện đó đã xảy ra, và nó chưa bao giờ nóng bỏng như lúc này.

Từ tập đoàn xe ôm dùng điện thoại di động chuyên đón các nữ sinh đi nhà nghỉ theo yêu cầu của khách đến ông chủ quán bán hàng ăn ở cổng trường, bà bán mỳ bò ở cuối thị trấn, mấy anh chị chủ cửa hàng cắt tóc gội đầu uốn lông mi đắp da mặt ở sát sạt cổng trường, đặc biệt là cánh kinh doanh internet phục vụ chat chít hư đốn... tất cả họ đều tự hiến mình làm đầu mối hiểu chuyện và tình nguyện làm “môi giới mãi dâm”.



Suốt giờ học, các cháu ngồi nhí nhoáy nhắn tin, mặt câng câng, nói năng hỗn xược. Cô giáo già hơn 20 năm làm giáo viên “hắc xì dầu” nhất trường huyện yêu cầu cấm dùng điện thoại di động trong lớp. Học trò phản ứng dữ dội, vì theo chúng, đó là quyền lợi “tối thiểu” của một con người, cũng như chúng có quyền nhuộm tóc xanh đỏ tím vàng, hoặc mặc quần áo bó chít gợi cảm như “siêu sao” trên internet.



Cô giáo già vẫn kiên quyết thể hiện lương tâm nghề nghiệp của một người gắn bó máu thịt với nghề gõ đầu trẻ, chỉ còn vài tháng nữa là nhận sổ hưu. Đứa nào câng câng không chịu tắt điện thoại, cô tóm bằng được rồi nộp lên ban giám hiệu nhà trường. Choáng váng! “Môi giới mại dâm”, khách hàng mua bán, nữ sinh bán mình... tất cả đều được tố cáo qua cái điện thoại hạng sang (mà sau này các thầy cô mới biết) được một số người trẻ là cán bộ địa phương “trang bị” cho nữ sinh có nhan sắc.



Cái điện thoại như một công cụ trói buộc, để người ta câu nhử, dụ dỗ con thiêu thân lạc loài kia đốt mình vào những cuộc chơi khiến các bậc phụ huynh chết đứng như Từ Hải. Sau này, một số người ở địa phương đã tính chuyện: “xấu chàng hổ ai” (!); nếu làm ầm ĩ ra thì ai ai cũng mang tiếng cả. Kể cả nhà trường.


Những cô nàng sáng đến lớp, chiều tối lại thiêu đốt thân xác mình thành kẻ đi hoang


Vụ việc dần đi vào quên lãng. Cái gai nhức nhối có vẻ như được da non trùm phủ lên cho khuất mắt trông coi, nhưng cũng vì thế mà nó càng mưng mủ, buốt nhói hơn, khi mà sáng sáng, chiều chiều, nữ sinh lại tìm cách ra khỏi cổng trường, xe ôm đến đón, lại rao bán xuân tình ở các nhà nghỉ cách phố huyện có khi vài cây số, có khi phía sau các dốc núi, cách chỗ có bà giáo hắc xì dầu kia những vài chục km.



Một giáo viên nói: Chúng nó ngồi trong lớp, hôn hít, ôm ấp nhau như... trong phim. Tôi nhắc nhở, chúng nó nhăn nhở cười, tôi quay lên viết phấn trên bảng, nó lại... ôm ấp nhau. Đuổi ra khỏi lớp, là nó đi chơi luôn. Học trò thời nào cũng “nhất quỷ nhì ma”, nhưng ăn trộm quả xanh, uống nước lã, tắm ao tắm sông hay trêu chó nhà người khác, là cái tội chanh cốm học trò, không khuyến khích nhưng nó còn có cái hương vị đáng yêu nào đó của nó. Đằng này…



Đang dở câu chuyện thì thấy ầm ầm, ào ào, tiếng người như mổ bò. Một nam sinh trường trung học vừa trốn khỏi nhà, cuỗm theo ít tiền của ông bố buôn bán phố huyện, và một chiếc xe máy. Có người nhìn thấy nó đi trên quốc lộ 2, thế là truy đuổi. Mấy ngày sau, nhờ cả công an chặn ở chốt giao thông trên quốc lộ, vẫn bặt vô âm tín.

Cũng như nhiều buổi sáng, tôi chứng kiến ông chủ quán internet ở cổng trường cấp 3 bị một ông bố của một cậu học sinh chửi te tua: “Tổ sư bố nhà nó”, rồi lại ngọt ngào “Em đã nhờ bác rồi, cháu nó vào thì bác phải đuổi, bác muốn em mất con sao”, rồi lại chửi, “Cái lũ chỉ biết đến tiền, mặt nó sẽ bị tiền đè cho chết không nhắm được mắt”. Có lẽ, ở đất nước này và trên thế giới này, khó có phụ huynh của khách hàng nào dám chửi người bán hàng như thế.

Có câu chuyện xót lòng, khi giáo viên và các bà đi bộ buổi tối ở thị trấn truyền nhau quyển nhật ký của một nữ sinh trung học. Cô bé nhà ở xa trường, bố mẹ bỏ cấy cày, đạp xe theo dõi con mãi, không còn đủ sức nữa - trong khi nó vẫn đi hoang lạc loài, vẫn tình dục lăng nhăng, chat và games như một con nghiện. Bố mẹ bèn tính cách gửi cháu lên phố huyện cho người bác ruột “trông coi”, rồi giám sát cháu từ nhà đến trường.



Đi học về là bị “nhốt” trong phòng học. Cô bé tức tối viết nhật ký: “Không biết, kiếp trước ở thiên đình mình mắc tội gì với con yêu tinh này (ý nói bác ruột) mà kiếp này nó đày đoạ mình ghê gớm thế...”. Đọc xong, có người cười, có người khóc, vì con cháu họ cũng chẳng hơn gì cô bé thích đi hoang kia.

Toà vừa xử một cậu nhỏ lên mạng chat, dụ được cô bé từ miền Trung ra Hà Nội, lên trung du, rồi hai đứa “làm trò người lớn” với nhau. Bố mẹ cô gái kỳ công bắt quả tang, tố cáo, và cậu kia phạm tội hiếp dâm trẻ em, đi ở tù. Có thể kể mãi, kể mãi không hết những hệ lụy khi học trò trường huyện hư hỏng. Có thể, khi nghe tôi kể, các cô cậu trẻ sành điệu sẽ cười xoà: “thường thôi” (chuyện chẳng có gì lạ lẫm với họ).

Có thể, cả phố huyện, bà con quá chán nản với những chướng tai gai mắt kia rồi. Nhưng, không thể vin vào những lý do kiểu đó mà chúng ta rũ bỏ trách nhiệm của các bậc làm cha làm mẹ, làm ông làm bà trước những con thiêu thân bị lệch lạc, bệnh hoạn do “môi trường sống” bị “ô nhiễm” (thông qua chat, games, các ham muốn vật chất và dục tính từ phim ảnh, “đầu đường xó chợ” hoặc sinh hoạt thường nhật mà người lớn đã vô tình trưng ra...).



Một bài toán đơn giản: Sao không “giải toả” toàn bộ các quán internet, các ổ chat, bỏ học, games xuyên ngày, hẹn hò bán dâm và tán tỉnh nhau tục tĩu ở cổng trường? Sao Ban giám hiệu nhà trường không phong toả cổng trường (và các bờ tường) tuyệt đối trong giờ học?

Có vẻ như, bài toán chứa sẵn lời giải, nhưng ít ai có ý định “hoá giải” những oan nghiệt mang tên học trò trường huyện kể trên. Đã hết rồi cái ngày: “Những buổi học về không có nón/ Đầu đội chung một lá sen tơ/ Sen tơ vương vấn tình ngây dại/Ấp ủ đôi ta chút nhụy hờ”. Với nữ sinh, nam sinh thời buổi này, không vương vấn nữa, không ấp ủ nhụy hờ nữa, mà họ đi thẳng từ ôm ấp trong lớp học, đến bán dâm, đến nạn nạo phá thai khi còn mặc áo đồng phục nữ sinh. Thật tội!

0 nhận xét

Đăng nhận xét

Followers

Video Post